No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Người chiến sỹ mẫu mực trong hai cuộc kháng chiến
Lượt xem: 49

NGƯỜI CHIẾN SỸ MẪU MỰC TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN

Cuộc đời và sự nghiệp của Ông Nguyễn Văn Ký là hình ảnh của một người chiến sỹ Công an nhân dân tỉnh Sơn La tâm huyết, mẫu mực, có những đóng góp đáng ghi nhận trên lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự, hết lòng vì nhân dân phục vụ. Ông nguyên là Trưởng phòng công tác chính trị - Công an tỉnh Sơn La, sinh năm 1935 tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

anh tin bai

Năm 11 tuổi, đang học tiểu học, Ông được bình chọn là học sinh tiêu biểu, xuất sắc nhất năm học 1945-1946, được Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến xã tặng Giấy khen. Để góp phần hưởng ứng phong trào “Diệt giặc dốt”, Ông đã tình nguyện đi dạy  “Bình dân học vụ” buổi tối tại quê nhà. Năm 1953, Ông là học sinh tình nguyện đi lao động 2 tháng tại công trình thủy nông Núi Cóc, tỉnh Nghệ An. Sau đó, Ông là một trong những thanh niên đầu tiên của xã tình nguyện gia nhập “Đoàn thanh niên xung phong Trung ương” và đã cùng trên 5.000 đội viên Thanh niên xung phong của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tập kết đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đêm hành quân đi chiến dịch, tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” của đoàn quân Thanh niên xung phong vang dậy núi sông; đoàn quân lặng lẽ hành quân vượt qua muôn ngàn sông núi hiểm trở, hướng lên chiến trường Điện Biên Phủ. Ông được gặp và nghe Thiếu tướng Vũ Kỳ đọc 4 câu thơ của Bác Hồ: “ Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên ”, càng làm Ông vững tin, quyết tâm vượt khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ của người Thanh niên xung phong.

Giữa tháng 3-1954, Ông được chỉ huy Đại đội 194 giao nhiệm vụ tuyệt mật là đem ba lô đi gặp đồng chí (có biệt danh là X) tại hang đá ở xã Chiềng Pha (Thuận Châu) để nhận tiền mặt 10 vạn đồng tài chính. Suốt 11 tiếng đồng hồ đi bộ trong rừng, bụng đói cồn cào, nhưng Ông không dám cởi ba lô lấy ra 1 xu để mua gì ăn tạm. Khoảng 3 giờ chiều, một tốp 3 chiếc mát bay Pháp từ hướng Điện Biên Phủ lao xuống, bổ nhào, bắn xối xả. Thấy có hang đá, Ông cố chạy lên, có 2 anh bộ đội chạy ra kéo tay Ông vào hang nằm xuống. Máy bay địch bắn phá gần 30 phút rồi bỏ đi. Thật may là cả 3 người không ai bị thương, ba lô tiền bị cháy xém phía ngoài, chiếc ca bị đạn xuyên thủng. Chia tay 2 anh bộ đội, Ông cố sức nhịn đói khát đến 9 giờ đêm mới về tới đơn vị. Sau khi báo cáo sự việc, đồng chí Lê Hoa Nở - Đại đội phó đã cùng kiểm kê và nhận đầy đủ số tiền. Lúc này chỉ còn bát cơm nguội, đồng chí Nở đã ưu tiên cho Ông 1 con tôm biển để ăn.

Đầu tháng 4-1954, Ông là Tiểu đội trưởng một Tiểu đội gồm 12 người, ngày đêm san lấp hố bom tại các cua tay áo ở đèo Pha Đin. Một lần, đến 12 giờ đêm mới san lấp được một nửa hố bom rất sâu. Vừa buông tay nghỉ giải lao, thấy có 1 xe con ngụy trang, đèn gầm từ phía Thuận Châu đi lên, dựng lại trước hố bom đang san lấp. Dưới ánh trăng mờ, giá lạnh, thấy một người dáng nhỏ, tay cầm điếu thuốc lào bước xuống, Ông suy đoán: “Chắc xe con này có ông làm cấp to lắm. Nơi này rất nguy hiểm vì máy bay địch thường xuyên oanh tác, tính mạng ông cán bộ này sẽ ra sao, ai chỉ huy, còn mình hy sinh là chuyện bình thường”. Thế rồi, Ông nói với Tiểu đội bằng mọi cách phải để cho xe ông cán bộ cấp cao này qua hố bom đi chiến dịch ngay. Thật đúng là “cái khó ló cái khôn”, Ông thấy có đống tre gai của dân ở gần đó, Ông gọi mọi người vác đến, luồn xuống gầm xe, buộc chặt lại, yêu cầu ông cán bộ và lái xe lên xe để 12 người khiêng qua hố bom, qua rồi lại cởi tháo tre trả cho dân. Qua nói chuyện mới biết, ông cán bộ là Đại tá Đinh Đức Thiện - Cục trưởng Cục vận tải Quân sự trên đường đi kiểm tra tuyến giao thông lên Điện Biên Phủ; ông Thiện khen: “ Tớ thấy các cậu giỏi thật, gánh cả xe ô tô qua hố bom, thế này thì thằng Pháp ở Điện Biên thế nào cũng phải thua cho mà xem”.

Trung tuần tháng 4-1954, Ông cùng 9 người được Đại đội chọn cử đi học lái xe kéo pháo. Đầu tháng 6-1954, tổ học lái xuất phát từ đèo Pha Đin, đi bộ qua nhiều địa danh như Cò Nòi, Tạ Khoa, Phù Yên, Lũng Lô, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, qua  “ Ải Tam Quan ” đến Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) học lái xe ô tô khóa III (1954-1955) trong điều kiện phải giữ bí mật. Đầu tháng 11-1955, Đại đội 8 cùng một ngàn học viên về nước, đi tàu hỏa từ Bằng Tường (Trung Quốc) đến Hà Nội. Thời kỳ này, do Uỷ ban Quốc tế giám sát điều khoàn Hiệp định đình chiến, nên suốt 2 tháng (11,12-1955) buổi tối Ông lái xe sang Gia Lâm chở xăng dầu, vũ khí, pháo cao xạ do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ, đảm bảo bí mật, an toàn; Ông được Cục trưởng Cục vận tải Quân đội tặng Bằng khen.

Tháng 10-1956, Ông lái xe tải đoàn xe Nha giao thông 83 - Lý Thường Kiệt (Hà Nội) được lệnh hộ đê Mai Lâm bị vỡ. Suốt một tuần, ngày nào cũng từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối,Ông chở đá hộc từ Chùa Hương (Hà Đông) đến đê Mai Lâm, mỗi ngày chở 20-22 chuyến đá, xếp loại cao nhất đoàn xe, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng thưởng 5 kg đường và 5 hộp sữa. Cũng trong năm 1956, Bộ Giao thông vận tải - Bưu điện giải tán đoàn xe Nha giao thông, thành lập các Sở, Khu, Ty giao thông trên toàn miền Bắc; Sở Giao thông Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập, gồm 18 châu thuộc 4 tỉnh miền núi Tây Bắc. Bộ giao thông vận tải kêu gọi tinh thần xung phong của lái xe, Ông đã vận động được 14 người cùng tình nguyện, xung phong lên Tây Bắc. Sau mấy ngày hành quân, tổ xung phong mới đến được Sở Giao thông vận tài Khu tự trị Thái - Mèo đóng tại rừng ma bản Pán, xã Chiềng Ly, châu Thuận Châu. Tổ xe có 8 chiếc Monotoba, Ông vừa làm tổ trưởng, vừa lái xe chở đất đá, cuốc xẻng, xà beng, xe rùa, nhựa đường để san lấp hàng vạn ổ gà…đồng thời tham gia chở hàng ngàn người từ Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định… lên Sơn La, Lào Cai khai hoang, phát triển kinh tế. Ông cùng tổ lái xe đã khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ xe tốt, lái xe an toàn, tiết kiệm xăng dầu.

Năm 1958, Sở Giao thông vận tải Khu tự trị Thái - Mèo được phân 10 chiến Romooc, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Sở họp phát động tổ xe xung phong về Hà Nội nhận; Ông và anh Mão phụ xe đã xung phong cùng đi nhận xe. Thời kỳ này, đường 41 từ Hà Nội - Hòa Bình - Chợ Bờ - Suối Rút - Km22 - đèo Chiềng Đông là đường đất, mặt đường và mặt cầu chỉ rộng 2,20m, lại nhiều cua gấp tay áo; trong khi xe tải Gat 63A kéo Romooc dài tới 12m, đây là bài toán hóc búa nhất trong đời lái xe của Ông, tưởng chừng không thể vượt qua được ( Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội lái xe kéo pháo đi được là đi qua Quốc lộ 37, mặt đường rộng hơn 4m). Ông cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu, thực tập lên xuống xe, vạch chi tiết cự ly từng bánh xe ( bánh trước, bánh sau, bên phải, bên trái xe Romooc), nhất là những đoạn cua hẹp, đèo dốc…Ông cùng đồng nghiệp đã miệt mài trải nghiệm, quên cả ăn để tìm ra quy luật. Sau khi thử nghiệm thành công, Ông nhận kéo xe Romooc lên cơ quan, trên xe có thêm anh Luân - Thư ký Công đoàn ngành Giao thông vận tải Khu đi cùng. Suốt chặng đường dài, qua các địa danh, người dân thấy lạ, hô hào nhau đến xem và cổ vũ rất đông; làm Ông thêm phấn chấn và vững tâm hơn, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ; mất 5 ngày Ông mới đưa xe về đến cơ quan an toàn, cả lãnh đạo và nhân viên cơ quan vây kín chúc mừng; sau đó cả 9 chiếc Romooc còn lại được ông lần lượt kéo lên đầy đủ, an toàn. Trong phong trào thi đua tăng năng suất trong ngành Giao thông vận tải, hôm đầu Ông lái xe kéo 1 Romooc chở đầy cát sỏi cho công trường Nà Sản, hôm sau kéo 2 Romooc, rồi 4 Romooc, vận chuyển gấp 5 lần xe kéo trước đó. Nhà báo Nguyễn Tuấn đã chụp ảnh, viết gương “Người tốt, việc tốt” đăng trên báo Nhân dân, ông được Trung ường Đoàn thanh niên tặng danh hiệu và Huy hiệu “Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa”, được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” toàn ngành Giao thông vận tải; đặc biệt nhất là ngày 8-9-1959, Ông được kết nạp vào Đảng ở tuổi 24.

Năm 1960, Ông được Sở Giao thông vận tải Khu cử đi học 5 tháng lớp Giám khảo, sát hạch lái xe khóa I tại Hà Nội. Học xong, Ông được đặc trách làm giám khảo, kiêm Trưởng ban đăng kiểm ô tô, máy kéo bánh hơi. Địa bàn Khu quá rộng, địa hình chia cắt mạnh, các cơ quan có xe định kỳ đi đến Sở tốn nhiều xăng dầu, thời gian, công sức, lỡ việc cơ sở; Ông đã có sáng kiến đề nghị Sở duyệt kế hoạch tổ chức khám xe tại chỗ cho các đơn vị, khu vực theo lịch, còn Ông tự tìm cách đến tận nơi để kiểm tra xe. Việc làm này được tất cả các nông trường, công trường của 4 tỉnh, 18 châu rất hoan nghênh.

Đầu năm 1963, Khu tự trị Thái - Mèo giải thể, tái lập 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ, Ông được phân công về Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La. Cuối năm 1963, Quốc hội quyết định chuyển toàn bộ công tác đăng ký, kiểm tra định kỳ các loại xe ô tô, quản lý xe, sát hạch lái xe ô tô sang ngành Công an. Do có lý lịch, tư cách đạo đức, phẩm chất tốt, là đảng viên nên ngày 1-1-1964, ông Cầm Liên - Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Sơn La đã ký quyết định chuyển ông sang công tác tại Ty Công Sơn La, làm Đội trưởng Cảnh sát giao thông thuộc Ban 57

Tháng 11,12-1964, Ông được giao nhiệm vụ lái xe Sidca và 1 chiến sỹ đi phục vụ và bảo vệ đoàn văn công Neolaohăcxat (Pa thét Lào) gồm 40 người đến biểu diễn tại tỉnh Sơn La. Sau 2 tháng tận tình phục vụ thắm tình đoàn kết, tình hữu nghị, đã để lại trong lòng Bạn nhiều kỷ niệm khó quên. Ngày chia tay, bàn giao đoàn Văn công cho Công an Hòa Bình tại chợ Bờ, cô Vi Lê Văn (con dâu Hoàng thân Xuphanuvông) dưng dưng nước mắt, trịnh trọng gắn lên ngực ông để kỷ niệm tấm Huy chương của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và nói: “Em cảm ơn anh Công an nhân dân tinh Sơn La nhiều lắm”.

Bị thua đau ở chiến trường miền Nam, từ ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ điên cuồng tung các loại máy bay phản lực ném bom, bắn phá hủy diệt miền Bắc. Ngày 14-6-1965, những trái bom đầu tiên của đế quốc Mỹ đã dội xuống Mộc Châu. Tại thị xã Sơn La, chấp hành mệnh lệnh phòng không sơ tán của Tỉnh ủy, Uỷ ban hành chính tỉnh, tránh tổn thất, thương vong ở mức thấp nhất; nhiều ngày đêm, ông chỉ huy 10 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân đến các cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư để kiểm tra, nhắc nhở, giúp đỡ nhân dân sơ tán, củng cố hầm hố, ngụy trang, che phòng…Khoảng 11 giờ trưa ngày 18-6-1065, ông đang ứng trực thì có điện thoại: “Tôi Cầm Liên - Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh ra lệnh các đồng chí Công an đến ngay các cửa hàng ăn, bách hóa, lương thực, bến xe khách, bản Giảng đôn đốc mọi người nhanh chóng sơ tán ngay. Máy bay Mỹ sẽ ném bom hủy diệt thị xã”. Ông thổi còi báo động, các chiến sỹ lập tức triển khai theo phương án đã định. Một số nơi dân chủ quan không chấp hành, Ông phải ra lệnh sơ tán, xuống hầm, vào hang. Tiếng loa, tiếng kẻng báo động liên hồi, lực lượng quân đội, dân quân, du kích vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Đúng như dự đoán của trên, khoảng 30 phút sau, nhiều tốp máy bay “con ma”, “thần sấm”, “ cánh cụp, cánh xòe” của địch bổ nhào, gằm rú thả bom, bắn Rocket xuống khu vực thị xã; hàng trăm nóc nhà cháy rực, đổ nát, khói bay mù mịt, những tiếng la hét thất thanh…Không ngại hy sinh, Ông đã cùng các chiến sỹ dũng cảm dìu dắt, cõng người già, trẻ em, sơ cứu người bị thương, đưa xuống hầm, lên hang đá; đánh dấu nơi có bom chưa nổ, hô hào mọi người cùng đào bới hầm sập, cứu người. Trong trận đầu đã xuất hiện các gương chiến sỹ Công an dũng cảm như Ông, Đào Thư, Lý Việt Qúy, Lừ Văn U, Hoàng Văn Pưới. Sau tiếng kẻng báo yên, đồng chí Nguyên Văn Y - Trưởng Ty Công an đã đến ngay hiện trường nắm tình hình, nghe ông đang trong bộ quần áo, mặt mũi lem luốc bụi khói báo cáo. Trưởng ty nói: “ Các đồng chí giỏi thật, linh hoạt, dũng cảm, trách nhiệm rất cao; nếu không, con số thương vong sẽ gấp nhiều lần chứ không phải chỉ là 21 người hôm nay”; đồng thời, tiếng loa truyền thanh của Ban chỉ huy phòng không thị xã vang lên: “Hoan hô quân và dân đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay F105, bắt sống 1 tên giặc lái…”. Sau đó, Ty Công an đã tăng cường thêm cho lực lượng Cảnh sát nhân dân một số đồng chí. Có một ngày, trong khi máy bay địch ném bom, bắn phá ác liệt thị xã Sơn La, Đội của Ông tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân; tại giao thông hào xuất hiện đồng chí liên lạc của Ty Công an, tay cầm tờ báo Nhân dân giơ cao gọi Ông và mọi người xúm lại nghe đọc: “ Gương dũng cảm không sợ hy sinh trong bom đạn đế quốc Mỹ, cứu dân của 5 chiến sỹ Cảnh sát Công an Sơn La, được Hồ Chủ Tịch ghi tặng Huy hiệu của Người”. Mọi người truyền tay nhau đọc đi, đọc lại, xem chữ của Bác viết tên 5 đồng chí Nguyễn Văn Ký, Đào Thư, Lý Việt Qúy, Lừ Văn U, Hoàng Văn Pưới. Ông rất xúc động, lặng lẽ ra chỗ vắng ngồi im, hai hàng nước mặt lăn trên gò má đầy bụi đất, ông nghĩ: “ Bác Hồ tuổi cao, hàng ngày phải giải quyết trăm công ngàn việc của đất nước; thành tích của mình nhỏ bé có đáng gì đâu, mà sao Bác vẫn đọc báo, biết tên 5 anh em Công an Sơn La?”. Động lực đó đã thôi thúc Ông càng hăng hái xung phong nhận và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ khó khăn trong điều kiện chiến tranh.

Tháng 11-1964, Ông cùng đồng chí Hà Tích - Đội phó Ban 57 được giao nhiệm vụ áp giải 1 tên toán phó gián điệp biệt kích Mỹ bị gẫy chân khi nhảy dù, bị quân và dân ta bắt sống tại Tú Nang (Mộc Châu) về Ty Công an để chữa thương; quãng đường dài gần 100km, ông và đồng nghiệp ngày đêm vượt khó khăn, mưu trí, khôn khéo cảm hóa, giáo dục, tên gián điệp biệt kích đã nhận làm việc cho Công an.

Tháng 11-1965, đang ngồi trên ghế đoàn Chủ tịch Đại hội thi đua Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược lần đầu tiên của tỉnh Sơn La tại Bản Bó; máy bay địch bất ngờ lao xuống ném bom khu vực bản Cá, Phiêng Ngùa, cách điểm Đại hội gần 1 km. Không sợ nguy hiểm, Ông chạy một mạch đến hiện trường cùng đồng chí Đào Thư - Trưởng Đồn Công an và dân quân đào bới, phá đá cứu dân, dập cháy lán sơ tán, thu lượm các mảnh xác nạn nhân cho vào xô, chậu giao cho người nhà chôn cất.

Cuối năm 1967, Ông lái xe đưa đồng chí Vũ Thành - Phó Ty Công an lên đèo Pha Đin đón Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào. Xe phủ đầy lá ngụy trang, bật đèn gầm, chờ suốt từ 12 giờ đêm, đến gần 4 giờ sáng mới gặp đoàn 6 xe của Bạn tới. Ông đã dẫn đoàn đến hang bản Sàng, xã Chiềng Mai (Mai Sơn) gặp các đồng chí Hoàng Nó, Cầm Liên và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Uỷ ban hành chính tỉnh tuyệt đối bí mật, an toàn.

Cuối tháng 12-1967, ông cùng 2 đồng chí Cảnh sát giao thông được tăng cường cho Đồn Công an Km22 Mộc Châu. Vào một đêm sương buốt, giá lạnh, sương mù dày đặc giữa rừng núi heo hút; ông đang túc trực đến quá nửa đêm thì có  ô tô bật đền gầm, đầy lá ngụy trang từ hướng Mộc Châu đi xuống; ông ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra an toàn giao thông. Một phụ nữ xuống xe, hỏi: “Đồn có điện thoại không? Đồng chí dẫn tôi lên”. Mặc dù chưa hiểu chuyện gì, ông vẫn chấp hành, thực hiện tốt lễ tiết, tác phong khi làm nhiệm vụ. Người phụ nữ cầm điện thoại gọi: “A lô, đồng chí có phải A1 không?...”. Sau đó, chiếc xe tiếp tục hành trình về hướng Hà Nội. Sáng sớm hôm sau, đồng chí Pha May - Trưởng Ty Công an điện thoại gọi ông: “Đồng chí Nguyễn Văn Ký lên gặp tôi ngay, báo cáo sự việc đêm 28 tết, sau đó cùng tôi sang báo cáo Bí thư Tỉnh ủy”. Đến lúc đó, Ông mới biết người phụ nữ đó là phu nhân của Hoàng thân Xuphanuvong từ Lào sang ăn tết với Bác Hồ, Bác Tôn. Đồng chí Hoàng Nó rất vui, tự tay rót bia nâng cốc khen ngợi Ông đã thực hiện rất tốt lễ tiết, tác phong, Điều lệnh của người chiến sỹ Công an nhân dân trong khi thi hành nhiệm vụ.

Do có nhiều thành tích trong chiến đấu và công tác, Ông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, con số lên đến trên 20 huy chương, huy hiệu, kỉ niệm chương như  Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 3 Huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Vì an ninh Tổ quốc, Huy hiệu Bác Hồ tặng năm 1966, Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên, Huy hiệu Chiến thắng 20 ngày đêm đánh B52 Hà Nội, Huy chương nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Kỷ niệm chương công tác Kiểm tra Đảng, Kỷ niệm chương vì công tác Tổ chức xây dựng Đảng…. Đồng thời, ngày 14-11-2014, ông cũng đã hiến tặng 6 kỷ vật trong quãng đời công tác của mình cho Bảo tàng lịch sử Công an nhân dân Việt Nam gồm 1 Huy hiệu Bác Hồ, 1 Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ, 1 ba lô vải bạt bị máy bay Pháp bắn cháy xém, 1 áo thu đông Cảnh sát mặc suốt 9 năm làm Đội trưởng Cảnh sát giao thông, 1 chiế xà cột giả da, 4 Huy hiệu Chiến sỹ thi đua. Những năm tiếp theo cho đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ông tiếp tục phát huy, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Khi về nghỉ  chế độ hưu trí, ông có 15 năm làm phó, rồi Bí thư Đảng ủy phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, ông vẫn dành nhiều thời gian làm việc, ghi chép, học tập 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.

Những mẩu chuyện được ghi trong Nhật ký của Ông đã phần nào ôn lại bước đường công tác đầy khó khăn, gian khổ và những thử thách, nhiệm vụ nặng nề; vượt lên là những thành tích nổi bật của Ông trong hai cuộc kháng chiến. 85 năm một cuộc đời - Ông Nguyễn Văn Ký - người Thanh niên xung phong nhiệt huyết, người chiến sỹ Công an nhân dân dũng cảm, người Đảng viên Cộng sản gương mẫu, hết lòng vì nhân dân phục vụ, là tấm gương sáng cho các thế hệ Thanh niên xung phong và Công an nhân dân Sơn La, nhất là cho thế hệ trẻ học tập, noi theo./.

                                                                    Hà Xuân Hạnh

Thông tin doanh nghiệp
  • Phần mềm du lịch thông minh “Sơn La Tour” kết nối chặt chẽ giữa du khách - người dân - doanh nghiệp - cơ quan quản lý nhà nước
  • 27 mô hình, sản phẩm đoạt giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La, lần thứ 7-năm 2025
  • Tiến sĩ 9X về nước tạo AI soi lỗ hổng bảo mật
  • Tiến sĩ 9X chinh phục đỉnh cao IoT toàn cầu
  • Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và gặp mặt Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam
  • Khánh thành dây chuyền đồ hộp giấy dành cho rau quả tại Sơn La
  • Ban Tổ chức họp chuẩn bị công tác chấm điểm các mô hình, sản phẩm tham dự Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La lần thứ 7, năm 2025
  • Hội nghị công bố các quyết định về công tác tổ chức, cán bộ
  • Người chiến sỹ mẫu mực trong hai cuộc kháng chiến
  • Hội thảo tư vấn Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường lao động và việc làm tại Sơn La
  • Phát động, khởi công hợp thực hiện các dự án bảo vệ, phát triển rừng và các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người dân
  • Bản tin Trí thức với Khoa học và Công nghệ số 56/2025
  • UBND tỉnh Sơn La làm việc với Đoàn Công tác Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
  • Từ thợ “chân đất” thành nhà sáng chế triệu đô
  • Sơn La công nhận 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao
  • 34 ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA NĂM 2025
  • Một nền giáo dục tốt không thể phụ thuộc vào học thêm
  • NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG ĐI MỞ ĐẤT
  • Sơn La gặp mặt các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tiêu biểu về sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê
  • TS. Nguyễn Thị Kim Thanh: 17 năm theo đuổi hiệu ứng Kondo
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam
  • Chủ tịch của NVIDIA và 4 nhà khoa học thắng giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture
  • Công bố chi tiết 5 bộ, 4 Ủy ban dự kiến sáp nhập, kết thúc sau khi tinh gọn bộ máy
1 2 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 15
    • Hôm nay: 925
    • Trong tuần: 20 014
    • Tất cả: 15766919
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này