Phát động, khởi công hợp thực hiện các dự án bảo vệ, phát triển rừng và các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người dân
Phát động, khởi công hợp thực hiện các dự án bảo vệ, phát triển rừng và các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người dân
Trong hai ngày 16–17/6/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với các tổ chức trực thuộc tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân tại các huyện Thuận Châu và Vân Hồ.
Sáng 16/6, tại bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) (tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội Việt nam) phối hợp với Hạt Kiểm Lâm Thuận Châu tổ chức lễ phát động trồng rừng, hưởng ứng Ngày Thế giới Chống Sa mạc hóa và Hạn hán (17/6). Tham dự có đại diện của Liên hiệp Hội Việt Nam, Liên hiệp Hội Sơn La, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các xã vùng dự án và đông đảo nhân dân của bản Ta Khoang.
Nhân dân trồng cây trên đất rừng sau khai thác.
Thuận Châu hiện có gần 68.000 ha đất rừng, tỷ lệ che phủ đạt 44%. Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn do địa hình dốc, biến đổi khí hậu và nguy cơ cháy rừng cao. Chiến dịch trồng rừng lần này là một trong những hoạt động trọng điểm thuộc Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp vùng núi Tây Bắc – giai đoạn 2”, do tổ chức Bread for the World (CHLB Đức) tài trợ, được triển khai tại 5 xã của huyện Thuận Châu trong giai đoạn 2024–2026. Dự án nhằm tăng cường năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng nông thôn, đặc biệt thông qua hoạt động phục hồi và bảo vệ rừng gắn với sinh kế bền vững. Dự án dự kiến trồng phục hồi 50 ha rừng, với khoảng 20.000 cây bản địa như Trám đen, Giổi xanh và Lát hoa. Đây là những cây lâm nghiệp đa tác dụng, không chỉ giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn là nguồn thu nhập, là tương lai xanh cho cộng đồng địa phương. Đặc biệt, dự án đã thành lập 10 tổ tự quản bảo vệ rừng, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức và năng lực quản lý tài nguyên rừng cho người dân.
Bà Nguyễn Kim Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm SRD chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn bà con không chỉ là người tham gia dự án, mà là người dẫn đường cho sự bền vững. Mỗi bàn tay trồng cây hôm nay chính là một lời hứa giữ đất, giữ rừng, giữ nguồn sống mai sau.”
Ngay sau lễ phát động các đại biểu và nhân dân đã tiến hành trồng phục hồi hơn 2 ha rừng sau khai thác và trồng cây phân tán cảnh quan bảo vệ 3,5 km đường liên xã đi qua địa bàn của bản với cá loại cây Lát hoa và Dổi, giúp phục hồi rừng tự nhiên, chống xói mòn đất và giữ nước cho vùng đầu nguồn.

Các đại biểu và nhân dân bản Ta Khoang tại buổi lễ phát động trồng cây
Tiếp nối hoạt động trên, sáng 17/6, tại bản Un, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) (tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội Việt nam) tổ chức lễ khởi công công trình nước sản xuất cho người dân bản Un. Tham dự lễ khởi công có TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ; ông Lê Văn Hải, Giám đốc trung tâm RIC; ông Đinh Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Song Khủa và đại diện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và nhân dân của bản Un.

Các đại biểu động thổ khởi công công trình nước phục vụ sản xuất tại bản Un
Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) thực hiện Dự án “Cải thiện điều kiện sống cho các cộng đồng dân tộc thiểu số” trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến năm 2025 trên địa bàn 16 thôn/bản của 4 xã: Chiềng Yên, Chiền Xuân, Song Khủa và Suối Bàng, huyện Vân Hồ, với mục tiêu cải thiện đời sống của người dân thông qua áp dụng phương pháp quản lý cộng đồng và nhân rộng bởi chính quyền địa phương hướng tới phát triển bền vững tại huyện Vân Hồ.
Với mục tiêu cải thiện đời sống của nhân dân, trực tiếp là khắc phục hậu quả của cơ bão YAGI cho người dân thông qua xây dựng, sửa chữa công trình nước phục vụ sản xuất. Dự án sẽ đầu tư xây dựng 3 đập dâng nước với tổng chiều dài 93 m, cao 1,2 m, mặt đập rộng từ 0,4 – 0,6 m. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cung cấp đủ nước tưới cần thiết cho 14 ha đất sản xuất (chủ yếu là diện tích lúa nước), 80 hộ được hưởng lợi trực tiếp. Công trình sẽ giúp cho người dân kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp các cộng đồng sống xanh, bền vững, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường của chính mình.
Phát biểu tại buổi lễ, TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh, đây là hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời cũng là bước đi trong lộ trình phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương; khẳng định Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức như RIC, SRD, và chính quyền các cấp trong các chương trình phát triển nông thôn, hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng cao.
Đại diện Trung tâm RIC, ông Lê Văn Hải – Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng công trình nước phục vụ sản xuất này sẽ góp phần cải thiện sinh kế cho bà con bản Un, nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực và giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất nông nghiệp.”
Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò thiết yếu của rừng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xói mòn, sa mạc hóa và suy thoái đất là rất quan trọng, không chỉ giúp lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của rừng và đất đối với sự sống con người, mà còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và phục hồi môi trường sinh thái, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả trong đời sống và phát triển kinh tế, xã hội.
Hữu Đức – LHH Sơn la