NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG ĐI MỞ ĐẤT
Họ là những người đầu tiên từ miền xuôi đặt chân lên mảnh đất Sơn La sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, mang theo ước vọng về một cuộc sống mới, khai mở vùng đất hoang, dựng nên những bản làng trù phú nơi rừng sâu núi thẳm. Sáu, bảy chục năm sau, bóng dáng họ vẫn còn in dấu trong từng con dốc, từng bờ ruộng bậc thang, từng vườn cây ăn quả, từng nương cà phê trĩu quả và cả trong ký ức của thế hệ hôm nay…
Cách đây 64 năm, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, hơn 1.300 đảng viên, đoàn viên thanh niên ở độ tuổi 20–35 thuộc 9 huyện của tỉnh Hưng Yên đã tình nguyện rời quê hương, mang theo lý tưởng cách mạng, xung phong lên Tây Bắc khai hoang, lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới. Họ là những người con ưu tú, mang trong tim ngọn lửa của tuổi trẻ và khát vọng cống hiến cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Bỏ lại sau lưng ruộng đồng quen thuộc, gia đình thân yêu và cả những ước mơ riêng tư, họ lên đường với một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng. Họ không biết điều gì đang chờ đón mình nơi núi rừng xa xôi, nhưng họ biết mình đang viết nên những trang đầu tiên cho một vùng đất mới, bằng chính tuổi trẻ, mồ hôi và cả những hy sinh thầm lặng của mình.
Qua lời giới thiệu của bà con trong hợp tác xã, chúng tôi đã tìm gặp được ông Phan Trọng Choắt, một nhân chứng sống trong phong trào khai hoang lập nghiệp tại Tây Bắc ngày ấy. Quê ông ở xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Năm ông lên Sơn La, ông mới 22 tuổi, nay ông đã ở tuổi 87. Vợ chồng ông đang sống cùng con cháu tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Dù mái tóc đã bạc trắng theo năm tháng, giọng nói ông vẫn sang sảng, ánh mắt sáng và minh mẫn đến lạ thường, như thể ngọn lửa năm xưa chưa hề tắt trong lòng người lính khai hoang của thế kỷ trước.
“Vào một ngày đông lạnh giá cuối năm 1960, chúng tôi, hơn 1.300 thanh niên tỉnh Hưng Yên - như đoàn quân Tây Tiến năm xưa - hành quân lên Tây Bắc. Mỗi người chỉ có một chiếc ba lô với vài ba bộ quần áo, cái bát, đôi đũa, đôi dép cao su, và lý tưởng của tuổi trẻ. Người thân đứng dọc đường 39 tiễn biệt, nước mắt rơi trong tiếng hát, tiếng cười và cả những lo lắng không nói thành lời,” ông Choắt hồi tưởng, giọng trầm xuống. Hình ảnh ấy, con đường quê phủ bụi đỏ, bàn tay vẫy chào, tiếng loa truyền thanh vang lên động viên thanh niên lên đường, đã trở thành dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời ông và bao người đồng đội năm ấy.
Trang sử vàng của xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên
vẫn còn ghi tên những người đi mở đất đầu tiên (Ảnh do ông Phan Trọng Choắt cung cấp)
Con đường lên Sơn La ngày ấy hiểm trở như chính hành trình mở đất mà họ sắp bước vào. Những cung đường ngoằn ngoèo, những con đèo dốc đứng, mưa phùn và sương mù dày đặc khiến tầm nhìn hạn chế. Đường trơn như mỡ, bánh xe lắc lư như muốn hất tung tất cả xuống vực. Nhiều người say xe đến mức nôn mửa, có người bật khóc vì lần đầu phải xa gia đình, bước chân lên vùng đất xa lạ. Đoàn người đi qua Hà Nội, Hà Đông, rồi lên Hòa Bình, Chợ Bờ, Suối Rút, Mộc Châu… Những cái tên khi ấy còn xa lạ, mờ mịt như giấc mơ chưa thành hình. Trước mặt chúng tôi là vùng đất thâm u được người xưa đồn rằng: "nước Sơn La, ma Vạn Bú" – câu ví vừa mang ý răn đe, vừa là thử thách đối với lòng can đảm của lớp thanh niên mới lớn.”
Sau ba ngày ba đêm vượt núi băng đèo, cuối cùng họ đặt chân đến miền đất Sơn La – khi ấy còn hoang vu, lưa thưa những nếp nhà sàn gỗ lợp tranh, đêm đến chỉ nghe tiếng suối và tiếng côn trùng vọng giữa núi rừng. “Chúng tôi dựng lán, phát nương, trồng ngô, trồng sắn… Rừng già ngập mắt, muỗi mòng dày đặc, cái rét thấu xương xuyên qua manh áo mỏng, thế nhưng lòng người thì vẫn ấm. Đêm đến, anh em quây quần bên bếp lửa, chia nhau từng củ khoai, kể chuyện quê nhà để quên đi cái đói, cái nhớ.”
Ông Choắt chậm rãi kể, bàn tay run run cầm tách trà nóng: “Tôi mang theo ba quả nhãn lồng – thứ đặc sản tiến vua của quê nhà. Trước khi lên đường, chúng tôi được dặn là: ‘Hãy mang theo hương vị Hưng Yên lên vùng đất mới’ Tôi giữ lại hạt, lên đây trồng ở bãi đất trước sân nhà. Cây nhãn ấy nay đã to, mỗi mùa kết trái, tôi lại hái chia cho con cháu, rồi kể cho chúng nghe về mảnh đất Khoái Châu, về dòng sông Hồng, về mùa nhãn quê hương. Đó không chỉ là quả ngọt, mà là ký ức, là căn cước của tôi giữa vùng đất lạ này.”
Ông Phan Trọng Choắt (đứng giữa) chụp ảnh cùng cán bộ Bảo tàng tỉnh Sơn La và
Hội Khoa học Lịch sử tỉnh bên cây nhãn ông trồng năm 1960 trước sân nhà ông.(Ảnh TG)
Nhìn vào khu vườn nhỏ xanh um trước nhà, nơi có cây nhãn năm xưa vẫn đang trĩu quả, ông cười: “Quê hương không chỉ nằm ở nơi mình sinh ra, mà còn ở nơi mình đổ mồ hôi, vun trồng và để lại dấu chân đầu tiên. Và Sơn La, với tôi, chính là quê hương thứ hai, nơi thanh xuân tôi hóa thành đất, thành cây.”
Ngay sau khi mọi người đặt chân lên vùng đất mới, Hợp tác xã Hoàng Văn Thụ được thành lập, mang tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung – như một biểu tượng cho ý chí và khát vọng kiến thiết quê hương nơi miền đất mới. Hợp tác xã gồm bảy đội sản xuất, trong đó có sáu đội nông nghiệp và một đội thủ công, bắt tay ngay vào xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức sản xuất trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. Không máy móc, không điện, chỉ có cuốc, xẻng, rìu, búa và đôi bàn tay chai sạn của những thanh niên rời xa đồng bằng để dựng lên sự sống giữa núi rừng hoang vu. Những ngày đầu tiên, từng công việc nhỏ nhất đều phải tự thân làm lấy. Người biết rèn thì vào tổ rèn, làm cuốc, làm dao. Người thạo cưa xẻ thì tham gia tổ mộc, tổ xẻ gỗ, dựng nhà, làm lán, đóng bàn ghế. Ai khéo tay thì học làm miến dong, ép đậu phụ để cải thiện bữa ăn. Tất cả đều bắt đầu từ con số không. Từng tấc đất được phát dọn, từng thửa ruộng được khai mở bằng mồ hôi, bằng máu, bằng niềm tin và cả nước mắt.
May mắn thay, bà con dân tộc Thái ở bản Mạt, bản Sum, bản Lo… đã không đứng ngoài cuộc. Tình người nơi núi rừng đã chắp cánh cho hành trình khai hoang thêm phần ấm áp. Những bó lúa, gùi ngô, chõ xôi thơm dẻo được sẻ chia; những bàn tay khỏe mạnh cùng dựng lều, chặt tre, làm lán; những câu nói bằng tiếng Thái thân tình khiến người Kinh phương xa vơi bớt nỗi nhớ nhà. Cái rét cắt da của núi rừng Tây Bắc như dịu lại trong ánh lửa bập bùng và tình đồng bào không biên giới.
Cuộc sống thời ấy vô cùng gian khổ. Cái đói triền miên đè nặng lên từng bữa ăn, mỗi ngày chỉ có sắn luộc, khoai khô, rau rừng là chính. Thịt cá là của hiếm, chỉ xuất hiện vào dịp đặc biệt. Sốt rét, kiết lỵ, ghẻ lở là những căn bệnh ám ảnh kéo dài, trong khi thuốc men hầu như không có. Đã có lúc họ tưởng chừng không thể bám trụ nổi, một số người lặng lẽ gói ghém đồ đạc tính chuyện trở về.
Nhưng rồi, trong những đêm dài chông chênh ấy, lời dặn của Bác Hồ lại vang lên như ngọn đuốc trong tâm khảm: “Các cô, các chú được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ lên Tây Bắc cùng đồng bào đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng quê hương mới… Tây Bắc phải trở thành phên giậu của quốc gia…”
Câu nói ấy như mạch nguồn truyền lửa. Mỗi người lại tự nhắc mình: nếu bỏ cuộc thì ai sẽ làm thay? Nếu không có hôm nay, làm sao có ngày mai? Thế là họ lại cắn răng bám đất, dựng nhà, trồng cây, dạy con trẻ học chữ. Giữa gian khó, hy vọng vẫn le lói, lớn dần từ chính đôi bàn tay, từ những mầm xanh đầu tiên mọc lên giữa đất đá, và từ niềm tin vào tương lai sáng lạn nơi vùng đất mới.
Hơn sáu thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày đầu đặt chân lên miền đất hoang sơ, giờ đây, Hợp tác xã Hoàng Văn Thụ, nơi từng là điểm khai hoang đầu tiên của những thanh niên Hưng Yên trên đất Sơn La đã vươn mình trở thành một vùng kinh tế nông nghiệp trù phú. Những thửa ruộng nương xưa kia cằn cỗi, sỏi đá giờ đã nhường chỗ cho những vườn cây ăn trái trĩu quả, những nông trại xanh mướt trải dài theo triền đồi. Đây không còn là vùng đất “nước độc, rừng thiêng” như lời đồn thuở trước, mà là miền đất hứa, nơi hội tụ ý chí con người và sự ưu đãi của thiên nhiên.
Hoa thơm, trái ngọt đã thực sự bén rễ nơi đây. Từ những giống cây đầu tiên như nhãn, mơ, mận, bà con đã không ngừng học hỏi, lai tạo, mở rộng mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa. Vùng đất này ngày nay đã được biết đến với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như xoài, thanh long ruột đỏ, dâu tây hữu cơ... được tiêu thụ rộng rãi khắp các tỉnh trong nước và bắt đầu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đặc biệt, giống cà phê Arabica - vốn chỉ quen với độ cao và khí hậu khắc nghiệt - đã bén đất, bén người nơi đây, trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao. Những hạt cà phê Sơn La được thu hoạch, sơ chế, rang xay đúng quy chuẩn, đã dần hiện diện trên các kệ hàng ở Hà Nội, TP.HCM và cả các thị trường nước ngoài, mang lại niềm tự hào cho cả cộng đồng.
Bản làng hôm nay đã đổi thay đến không ngờ. Nhiều ngôi nhà xây mái đỏ mọc lên san sát, xe máy, ô tô không còn là điều xa xỉ. Con đường đất đỏ trơn trượt thuở nào nay đã được thảm nhựa, được bê tông hóa, khắp nơi rộn rã tiếng xe, tiếng máy, tiếng trẻ cười. Không còn hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây ngày càng nâng cao. Con em trong bản đều được đến trường, nhiều em đã đỗ vào các trường đại học, trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên quay về đóng góp cho quê hương.
Sự hòa quyện giữa đồng bào Kinh từ miền xuôi và đồng bào dân tộc Thái nơi đây không chỉ tạo nên sự giao thoa văn hóa phong phú, mà còn hình thành nên một cộng đồng đoàn kết, cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển. Hợp tác xã Hoàng Văn Thụ hôm nay không chỉ là nơi khẳng định thành quả của một thời khai hoang gian khó, mà còn là biểu tượng sống động của tinh thần đổi mới, sáng tạo, và khát vọng vươn lên của những con người dám nghĩ, dám làm trên vùng đất Tây Bắc giàu tiềm năng.
Nhớ lại những năm xưa, ông Choắt rưng rưng:
“Những người bạn cùng lên với tôi năm xưa, nay người còn, người mất… Tôi luôn nhớ cái ngày đặt nhát cuốc đầu tiên lên đất Sơn La, nhớ những đêm sương phủ đầy lán, nhớ tiếng cười, giọng nói thân thương. Giờ tôi chỉ còn lại cây nhãn lồng, chiếc hòm gỗ lát, chiếc cối đá… là chứng tích cho một đời gắn bó với mảnh đất này.”
Cây nhãn ấy giờ đã xum xuê, mùa nào cũng sai trĩu quả, như một chứng nhân sống động của tình đất, tình người, của bao tháng năm gian khó nhưng chan chứa nghĩa tình. Chiếc hòm gỗ lát ông tự tay đóng từ những ngày đầu dựng lán, chiếc cối đá từng giã ngô, giã lúa nuôi cả gia đình trong những năm tháng thiếu thốn, nay đã mòn vẹt theo thời gian, nhưng vẫn được ông giữ gìn như báu vật.
“Mỗi lần nhìn vào những thứ ấy, tôi thấy lại tuổi trẻ của mình rực lửa và đầy hy vọng,” ông nhẹ nhàng nói. “Mảnh đất này đã trở thành quê hương. Con cháu tôi sinh ra ở đây, lớn lên trên chính mảnh đất mà chúng tôi đã đổ bao mồ hôi, nước mắt để khai khẩn. Tôi không tiếc tuổi xuân đã gửi lại nơi đây, vì nó đã nở hoa, kết trái.”
Nguyễn Vũ Điền
(Ghi theo lời kể của cô Lê Thị Liên – Cán bộ Bảo tàng tỉnh Sơn La)