Bài toán huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam
BÀI TOÁN HUY ĐỘNG VỐN CHO CÁC DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VIỆT NAM
Trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, các startup tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi tìm kiếm nguồn vốn để phát triển.
Thực trạng huy động vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay
Số liệu khảo sát “Thực trạng và tình hình phát triển của các startup tại Việt Nam”, do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Startup Vietnam Foundation, Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP, MSD Vietnam và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững - MSD United Way Việt Nam thực hiện, cho thấy thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển đa dạng và tiềm năng.
Gần một nửa số doanh nghiệp (45.14%) trong giai đoạn tiền hạt giống (Pree-seed) thể hiện mức độ tập trung cao các startup ở giai đoạn chuẩn bị và nghiên cứu ý tưởng. Với 30.56% doanh nghiệp ở giai đoạn hạt giống (Seed), thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng về số lượng startup chuyển từ giai đoạn chuẩn bị sang giai đoạn thực hiện ý tưởng và sản phẩm. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm đáng kể khi chuyển từ giai đoạn hạt giống lên Series A với 17.36% doanh nghiệp ở giai đoạn này. Điều này có thể phản ánh sự khó khăn trong việc tiến xa hơn trong quá trình phát triển và gọi vốn, thể hiện thách thức mà các startup phải đối mặt để tiến xa hơn.

Hình 1. Tỉ lệ các doanh nghiệp trong từng giai đoạn gọi vốn.
Hình 2. Tỷ lệ các nguồn tài chính doanh nghiệp huy động.
Giai đoạn gọi vốn của doanh nghiệp
Cho đến nay, các startup Việt chủ yếu huy động vốn từ các nhà đầu tư thiên thần/quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng và tự góp vốn. Một số startup chỉ huy động vốn từ nguồn vốn tự có trong khi một số startup khác huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Kết quả Khảo sát cho thấy phần lớn startup tự góp vốn (93,98%). Số startup huy động được vốn từ nhà đầu tư thiên thần/quỹ đầu tư mạo hiểm chiếm gần 50% cho thấy mức độ hấp dẫn cũng như triển vọng của các startup Việt tương đối cao.
Trong khi đó, số doanh nghiệp vay ngân hàng để hoạt động rất thấp, chỉ chiếm 16,54%, do các ngân hàng chưa mạnh dạn thay đổi “khẩu vị” cho startup vay vốn, vì đặc thù của startup thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có hoặc có ít tài sản bảo đảm, giá trị của doanh nghiệp chính là giá trị hình thành trong tương lai nên rất khó xác định và mức độ rủi ro cao.
Do vậy, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ hiện nay là làm thế nào để tiếp cận các nhà đầu tư. Dữ liệu cho thấy hơn 50% startup gặp khó khăn chính ở giai đoạn này. Trình độ của các startup hiện nay cũng là vấn đề cần được quan tâm, khi có tới 28,10% doanh nghiệp chưa đủ năng lực để thuyết phục các nhà đầu tư. 13,73% startup cảm thấy bị thiếu thông tin khi tiếp cận quỹ đầu tư. Năng lực chưa đủ cùng các vấn đề trong việc tiếp nhận thông tin khiến 24.18% startup cảm thấy khó đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư.
Startup bày tỏ mong muốn nhận được hỗ trợ từ nhà đầu tư
Đối mặt với những cản trở đó, các startup cũng thể hiện rõ ràng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư. Nhu cầu nổi bật nhất trong số đó là mong muốn sự đồng hành và định hướng của các nhà đầu tư trong quá trình phát triển của startup. “Các startup rất mong nhận được những lời khuyên về định hướng phát của các nhà đầu tư”, bà Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ Nghệ Chế Biến Thực Phẩm Mekong chia sẻ quan điểm.
Hình 3. Khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các startup cũng mong muốn được nhà đầu tư đưa ra các phương pháp định giá minh bạch mà trong ngành đầu tư công nhận, không ép giá. Giải ngân nhanh cũng là mong muốn của một số startup, với những ý kiến cho rằng nên hoàn thành việc giải ngân chỉ trong một tháng. Các quỹ đầu tư kéo dài quá lâu từ 9 đến 12 tháng cũng bị một số nhà khởi nghiệp xem là không phù hợp.
Nguồn vốn từ các quỹ và nhà đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của startup. Việc giải quyết các khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và thỏa mãn mong muốn hỗ trợ từ nhà đầu tư sẽ giúp xây dựng một môi trường khởi nghiệp mạnh mẽ và thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam./.
Văn phòng Đề án 844
Theo Bản tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số 1/2024
Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
MindX - một startup đào tạo công nghệ cho mọi lứa tuổi cho biết, bên cạnh các quỹ đầu tư thông thường như Beacon Fund, họ còn kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư khác như Tập đoàn giáo dục Thái Lan Aksorn, Tập đoàn Nhân sự Mynavi Nhật Bản hay Wavemaker Partners.
Điều này cho thấy nhu cầu được hỗ trợ về nhiều mặt của các doanh nghiệp bao gồm tài chính, kinh nghiệm, mạng lưới kết nối, kênh phân phối...
|